TỔNG KẾT CHUỖI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN ĐỀ CỦA BỘ MÔN CÔNG PHÁP QUỐC TẾ KÌ 2 NĂM HỌC 2022-2023

Đăng vào 15/05/2023 09:17

Để tạo sự hứng thú cho sinh viên với các môn học chuyên đề, vừa cung cấp kiến thức lí luận đồng thời nâng cao những kĩ năng mềm, Bộ môn Công pháp quốc tế đã có những thay đổi trong phương pháp thảo luận đối với các môn học chuyên đề.

- Với môn học Pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về quyền con người, các nhóm sinh viên đã có những màn tranh biện xuất sắc để bảo vệ quan điểm của mình liên quan đến các chủ đề về quyền con người đang được quan tâm hiện nay. Các nhóm đã thể hiện quan điểm của mình thông qua các chủ đề như: nên hay không nên loại bỏ hình phạt tử hình với tội phạm ma tuý; nên hay không nên thừa nhận quyền kết hôn của nhóm LGBT; nên hay không nên thừa nhận quyền nạo phá thai tại Việt Nam… Chủ đề vòng chung kết là một chủ đề rất hấp dẫn, liên quan đến Chat GPT, 2 nhóm sinh viên lớp N01 và N03 đã xuất sắc thể hiện quan điểm của mình và kết quả của 2 đội điểm rất sít sao J

- Với môn học Kỹ năng Đàm phán, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, các em sinh viên đã “hoá thân” thành Trưởng đoàn đàm phán, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao… và thể hiện các màn thương lượng, đấu trí xuất sắc. Kịch bản giả định được thiết kế để giúp các em sinh viên hiểu rõ hơn về cách thức đàm phán giữa hai quốc gia trong đàm phán thương mại quốc tế. Qua việc theo dõi, các em sẽ được xem xét các vấn đề liên quan đến thương mại, bao gồm cả chính sách thuế và quản lý tài chính. Không những vậy, khi tham gia các em sinh viên còn được học các chiến lược đàm phán cơ bản và các kỹ năng giải quyết tranh chấp.

- Với môn Luật biển quốc tế hiện đại, các em sv được “đóng vai” các luật sư biện hộ cho quốc gia của mình trong Phiên toà giả định. Hoạt động tố tụng ở Tòa án quốc tế được đặc trưng với thủ tục nói và thủ tục viết. Kỹ năng viết memorial và kỹ năng tranh tụng đưa các quy định của pháp luật quốc tế trở thành công cụ “sắc bén” bảo vệ quyền lợi của quốc gia. Moot court mang đến một phiên toà chân thực, mới mẻ, đặc sắc với những lập luận “sắc sảo” của các Luật sư đại diện cho hai quốc gia trong vụ việc. Phiên tòa tranh tụng giả định không chỉ hiện thực hoá lý thuyết về Luật Biển Quốc tế hiện đại mà còn mang đến những kiến thức bổ ích về tranh tụng giữa hai quốc gia.

Mỗi môn học với phương thức thảo luận khác nhau đã giúp các em sinh viên vận dụng những kiến thức lí thuyết để giải quyết các tình huống thực tiễn, nâng cao khả năng tư duy logic, khả năng tranh biện.

Ngoài ra, Bộ môn đã tổ chức Buổi nói chuyện chuyên đề đặc biệt liên quan đến chuyến đi thăm Trường Sa do TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường là diễn giả. Thầy đã cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích về chuyến đi thực tiễn ra Trường Sa, nơi máu thịt yêu thương của Việt Nam. Dù không được trực tiếp tham gia chuyến tàu, nhưng với sự dẫn dắt của thầy, hơn hai trăm sinh viên và giảng viên cũng có thể cảm nhận được phần nào những vất vả của quân, dân Trường Sa, những tình cảm yêu thương của những người dân nơi đảo xa dành cho đất liền. Chắc hẳn sau buổi nói chuyện của thầy, trong tim mỗi em sinh viên sẽ lại nhiều hơn 1 chút tình yêu quê hương đất nước, nhiều hơn 1 chút khi nghĩ về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc bằng cách này hay cách khác.

Kết thúc 15 tuần học, với những nỗ lực của các giảng viên Bộ môn cũng như các em sinh viên, những kiến thức bổ ích sẽ đọng lại trong các em nhiều hơn, giúp các em hoàn thiện hơn không chỉ kiến thức lí thuyết mà cả những kĩ năng mềm quan trọng.