BỘ MÔN CÔNG PHÁP QUỐC TẾ TỔ CHỨC TOIL SỐ 05: “HOẠT ĐỘNG HOẠCH ĐỊNH BIÊN GIỚI TRÊN BỘ GIỮA VIỆT NAM VÀ CAMPUCHIA – THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN”

Đăng vào 23/11/2017 20:33

BỘ MÔN CÔNG PHÁP QUỐC TẾ TỔ CHỨC TOIL SỐ 05:

“HOẠT ĐỘNG HOẠCH ĐỊNH BIÊN GIỚI TRÊN BỘ GIỮA VIỆT NAM VÀ CAMPUCHIA – THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN”

Biên giới quốc gia nói chung và biên giới quốc gia trên bộ nói riêng có ý nghĩa đặc biệt đối với mối quốc gia. Bởi đó chính là ranh giới, giới hạn chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ của mình. Do đó, công tác hoạch định biên giới, cụ thể là hoạch định biên giới trên bộ chính là cơ sở để mỗi quốc gia có được một hệ thống đường biên giới ổn định trên thực tế.

Với mục tiêu “đưa luật quốc tế đến gần chúng ta hơn”, tiếp nối một chuỗi các chương trình Talk on International Law (TOIL), ngày 9/11/2017 Bộ môn Công pháp quốc tế - Khoa Pháp luật quốc tế đã tiếp tục tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề số 05 với chủ đề “Hoạt động hoạch định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Campuchia – thuận lợi và khó khăn” từ 9h đến 11h tại Hội trường A801, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Diễn giả trong buổi nói chuyện là Ông Hoàng Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ biên giới phía Tây, Ủy ban biên giới, Bộ Ngoại giao, một trong những chuyên gia của Việt Nam trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định biên giới trên bộ giữa hai nước.

 

Với những kinh nghiệm thực tiễn của mình, diễn giả đã mang đến cho sinh viên một bức tranh tổng quan về biên giới quốc gia trên đất liền của Việt Nam cũng như kết quả và những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạch định biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Theo đó, nước ta đã hoàn thành về cơ bản quá trình phân giới, cắm mốc thực địa đối với biên giới Việt Nam – Trung Quốc và biên giới Việt Nam – Lào. Đối với biên giới Việt Nam – Campuchia, hai bên đã phân giới được 928 km, hoàn thành việc lập mô tả hướng đi của đường biên giới cho hơn 600km biên giới đã phân giới, xây dựng được 314/371 cột mốc chính và 1089/1786 mốc phụ, cọc dấu bổ sung. Hiện nay, quá trình hoạch định vẫn đang được tiến hành với quyết tâm sớm hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc nhằm xây dựng biên giới hòa bình, ổn định giữa hai bên.  

Buổi nói chuyện diễn ra rất sôi nổi và thu hút được sự quan tâm của các thầy cô cùng các bạn sinh viên với nhiều câu hỏi đã được gửi đến diễn giả. Buổi nói chuyện đã thực sự mang lại những kiến thức vô cùng bổ ích cả về pháp lý và thực tiễn về vấn đề biên giới lãnh thổ trong luật quốc tế nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Ảnh và tin bài: Lã Minh Trang

Biên tập: Đỗ Quí Hoàng